Việt Nam – Kinh Tế – Xã Hội

  1. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
  2. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%. Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, đóng góp 2,57 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,61% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2013 là: 18,18%; 38,70%; 43,12%).

Xét về góc độ sử dụng GDP của 6 tháng năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 5,04%, cao hơn mức tăng 4,49% của cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,80%, đóng góp 1,66 điểm phần trăm.

  1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nông nghiệp tăng 2,5%; lâm nghiệp tăng 5,9% và thuỷ sản tăng 6%.

  1. Nông nghiệp

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3116,3 nghìn ha, tăng 10,7 nghìn ha và bằng 100,3% vụ đông xuân năm 2013, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1161,4 nghìn ha, bằng 100,3%; các địa phương phía Nam đạt 1954,9 nghìn ha, bằng 100,4%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 66,9 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 20,8 triệu tấn, tăng 812,2 nghìn tấn.

Một số cây trồng khác của vụ  đông xuân năm nay đã cơ bản thu hoạch xong: Sản lượng ngô đạt 2,5 triệu tấn, giảm 28,8 nghìn tấn so với năm trước; khoai lang đạt 843 nghìn tấn, giảm 27,8 nghìn tấn; đậu tương đạt 83,6 nghìn tấn, giảm 7 nghìn tấn; lạc đạt 351,9 nghìn tấn, giảm 32 nghìn tấn.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, tại thời điểm 01/4/2014, đàn trâu cả nước có 2,6 triệu con, giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,2 triệu con, tăng 0,7%; đàn bò sữa có 200,4 nghìn con, tăng 14%; đàn lợn có 26,4 triệu con, tăng 0,3%; đàn gia cầm có 314,4 triệu con, tăng 0,7%. Sản lượng thịt trâu, bò hơi 6 tháng năm nay đạt xấp xỉ mức cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi tăng 1,7%; thịt gia cầm tăng 0,6%; trứng gia cầm tăng 5,5%; sản lượng sữa bò tăng 19,2%.

  1. Lâm nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác đạt 2616 nghìn m3, tăng 8,5%; củi đạt 15,4 triệu ste, tăng 3,2%. Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại trên cả nước là 2154 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 1734 ha; diện tích rừng bị chặt phá 420 ha.

  1. Thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản trong kỳ ước tính đạt 933 nghìn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 2866,5 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1453 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng khai thác đạt 1413,5 nghìn tấn, tăng 5,5%, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1328,7 nghìn tấn, tăng 5,6%.

Sản lượng cá tra thu hoạch 6 tháng ước tính đạt 55 nghìn tấn, giảm 1,6%. Diện tích thu hoạch tôm sú đạt 495 nghìn ha, giảm 10%; sản lượng đạt 106 nghìn tấn, giảm 5,5%. Tôm thẻ chân trắng có diện tích và sản lượng tăng mạnh với diện tích đạt 53 nghìn ha, tăng 111% và sản lượng ước đạt 117 nghìn tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2013.

3.Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu ước tính tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 7,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,9%; riêng ngành khai thác tiếp tục giảm ở mức 2,5%.

Trong các ngành sản xuất, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 22,9%; dệt tăng 21,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,2%; sản xuất trang phục tăng 12,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 12,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 6,3%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 5%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 0,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,5%; sản xuất thuốc lá giảm 12,7%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 5 tháng tăng cao: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 62,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 12,2%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ5 thángtăng thấp: Sản xuất trang phục tăng 7,4%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,3%; dệt tăng 5,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 5,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,1%; sản xuất kim loại tăng 5%; sản xuất đồ uống tăng 4,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 3%.

Tại thời điểm 01/6/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng thời điểm năm 2013. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 11,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 10,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,1%; dệt tăng 1,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 12,8%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 138%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 62,1%; sản xuất trang phục tăng 32,6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 30,4%; sản xuất kim loại tăng 25,3%.

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2014 tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,2%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,2%.

  1. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Trong tháng 6 năm 2014, cả nước có 6087 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 57,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp và tăng 89,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký là 966 doanh nghiệp; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký là 4554; số doanh nghiệp giải thể là 849 doanh nghiệp.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 37315 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 230,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập và tăng 19,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký là 6066 doanh nghiệp; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký là 22637; số doanh nghiệp giải thể là 4751. Số doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 8322 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2013.

  1. Hoạt động dịch vụ 
  2. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tính tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%), trong đó kinh doanh bán lẻ hàng hóa tăng 12,2%; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 13,1%; dịch vụ khác tăng 22,2%; du lịch lữ hành tăng 20,5%.

  1. Vận tải hành khách và hàng hóa 

Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm ước tính tăng 6% về số khách vận chuyển và tăng 6,7% về khách luân chuyển so với cùng kỳ năm 2013. Vận tải hành khách của các ngành, đường tăng/giảm tương ứng như sau: Đường bộ tăng 6,1% và tăng 6,6%; đường hàng không tăng 10,2% và tăng 9,5%; đường sắt giảm 4% và giảm 5,5%; đường biển tăng 3,4% và tăng 1,9%.

Vận tải hàng hóa 6 tháng ước tăng 4,6% về hàng hóa vận chuyển và tăng 2,7% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa của các ngành, đường tăng/giảm tương ứng như sau: Đường bộ tăng 5,9% và tăng 4,2%; đường sông tăng 2,6% và tăng 2,8%; đường biển giảm 5,6% và tăng 2,1%; đường sắt tăng 6,4% và tăng 5,5%.

  1. Khách quốc tế đến Việt Nam

Trong tháng 6/2014, Việt Nam ước tính đón 539,7 nghìn lượt khách quốc tế, giảm 19,9% so với tháng trước, trong đó giảm nhiều nhất là khách đến với mục đích du lịch thuần túy với mức giảm 21,2%. Đáng lưu ý là số khách Trung Quốc giảm 29,5% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 44,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến Trung Quốc trong tháng Sáu giảm 50% so với tháng trước.

Khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt 4287,9 nghìn lượt người, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2588,2 nghìn lượt người, tăng 19,3%; đến vì công việc 720,9 nghìn lượt người, tăng 21,7%; thăm thân nhân đạt 739,5 nghìn lượt người, tăng 25,4%.

  1. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
  2. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng theo giá hiện hành ước tính đạt 502,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 198,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 178 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 126,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5%. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước đạt 90 nghìn tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2014, cả nước có 656 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4858,3 triệu USD, giảm 5,1% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 6852,3 triệu USD, giảm 35,3%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 5,75 tỷ USD, tăng 0,9%.

Trong 6 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản chiếm 10,1%; ngành xây dựng chiếm 6,8%; các ngành còn lại chiếm 12,9%.

  1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2014 ước tính đạt 376,9 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa 256,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6%; thu từ dầu thô 48,3 nghìn tỷ đồng, bằng 56,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 70,5 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 83,8 nghìn tỷ đồng, bằng 45,4% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 50,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 52,8 nghìn tỷ đồng, bằng 49,2%; thuế thu nhập cá nhân 24,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2014 ước tính đạt 449,4 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 70 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 321,7 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7%; chi trả nợ và viện trợ 55,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45,9%.

  1. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
  2. Xuất khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm đạt 12,4 tỷ USD tăng 408 triệu USD so với ước tính. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh so với số ước tính: Dầu thô tăng 299 triệu USD; dệt may tăng 94 triệu USD; giày dép tăng 143 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện các loại giảm khá mạnh so với ước tính với mức giảm 589 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 12,1 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước, trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) ước tính đạt 8,2 tỷ USD, giảm 2,7%. So với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu tăng 10,2%, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 23,1 tỷ USD, tăng 11,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 47,8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch và tăng 16,6%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước như: Điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; máy móc thiết bị và phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy vi tính và linh kiện.

Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 17,1%; hàng dệt may tăng 18,2%; giày dép tăng 21,9%; thủy sản tăng 26,5%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác tăng 20,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16%; cà phê tăng 24,8%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng khá là: Dầu thô tăng 10,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,8%; sắt thép tăng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm là: Điện tử, máy tính và linh kiện giảm 4,8%; gạo giảm 5%; cao su giảm 32,3%; than đá giảm 38,2%.

Về thị trường xuất khẩu trong 6 tháng, EU vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013. Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 19,5%. Thị trường ASEAN đứng thứ 3 với 9,6 tỷ USD, tăng 4,8%. Tiếp đến là Trung Quốc với 7,4 tỷ USD, tăng 20,8%. Thị trường Hàn Quốc ước tính đạt 2,9 tỷ USD, giảm 3,5%.

  1. Nhập khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 5/2014 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 377 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 12,3 tỷ USD, giảm 3,7% so với tháng trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,95 tỷ USD, tăng 1,8%; khu vực các doanh nghiệp trong nước đạt 5,35 tỷ USD, giảm 10,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu tăng 14,1%, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 15,6%; khu vực doanh nghiệp trong nước tăng 12,1%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 69,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 39,3 tỷ USD, tăng 11,6%. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng chủ yếu ở các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước: Điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước:Máy  móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 22,2%; vải tăng 17,9%; xăng dầu tăng 15,1%; chất dẻo tăng 10,1%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 28,5%; sản phẩm hóa chất tăng 16,2%; sản phẩm chất dẻo tăng 25%…

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với kim ngạch ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2013 (Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,2%); ASEAN đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,9%; Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 4,7%; Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 1,5%; EU đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5%; Hoa Kỳ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 24%.

Nhập siêu hàng hóa tháng Năm đạt 369 triệu USD, xấp xỉ số ước tính 400 triệu USD. Nhập siêu tháng Sáu ước tính 200 triệu USD. Xuất siêu 6 tháng đầu năm là 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu khá cao với 8,5 tỷ USD; khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 7,2 tỷ USD.

  1. Chỉ số giá
  2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6/2014 tăng 0,3% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,74%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,61%; hàng thực phẩm tăng 0,54%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,30%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng dưới mức tăng chung hoặc giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2014 tăng 1,38% so với tháng 12/2013 và tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 4,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

  1. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,53% so với cùng kỳ năm 2013; chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 4,13%; chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 3,09%; chỉ số giá cước vận tải kho bãi tăng 2,99%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 1,01%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 2,31%.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI    

  1. Lao động, việc làm

Tại thời điểm 01/7/2014, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 47,3 triệu người, giảm 10,2 nghìn người. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế 6 tháng ước tính 52,7 triệu người, tăng 0,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm là 2,14%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị là 3,62%; tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn là 1,47%. Tỷ lệ thiếu việc làm 6 tháng là 2,63%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,33%; khu vực nông thôn là 3,20%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 – 24 tuổi) 6 tháng là 6,32%, trong đó khu vực thành thị là 11,87%; khu vực nông thôn là 4,54%. Tỷ lệ thất nghiệp của người lớn (từ 25 tuổi trở lên) 6 tháng là 1,18%, trong đó khu vực thành thị là 2,23%; khu vực nông thôn là 0,71%.

  1. Đời sống dân cư

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 271,2  nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2013, tương ứng với 1152 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 14,7%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2013 là 9,8%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với năm 2012.

  1. Giáo dục, đào tạo

Theo báo cáo sơ bộ, cả nước có 910,8 nghìn thí sinh tham dự thi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm học 2013 – 2014. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,02%; tỷ lệ tốt nghiệp hệ bổ túc trung học đạt 89,01%. Cũng trong năm học 2013-2014, số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng của cả nước là 405,9 nghìn người; số học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp là 179,6 nghìn học sinh. Tổng số học sinh học nghề được tuyển mới từ đầu năm là 440,3 nghìn lượt người, đạt 25% kế hoạch, bao gồm: Cao đẳng nghề và trung cấp nghề 31,4 nghìn lượt người, đạt 11%; sơ cấp nghề 408,9 nghìn lượt người, đạt 27%.

  1. Tình hình dịch bệnh

Tính đến thời điểm 18/6/2014, cả nước đã ghi nhận 31,3 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi với 5,5 nghìn ca dương tính với sởi, trong đó 145 ca tử vong liên quan đến sởi. Trong tháng Sáu, trên địa bàn cả nước đã phát hiện thêm 1561 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước tính đến thời điểm 17/6/2014 lên 219,1 nghìn người, trong đó 68,8 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS cả nước tính đến thời điểm trên là 71,4 nghìn người.

  1. Tai nạn giao thông

Trong tháng Sáu (từ 16/05/2014 đến 15/06/2014), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 879 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 761 người chết và 254 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,8%, số người chết giảm 1,8%, số người bị thương giảm 57,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 5347 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 4689 người chết và 3147 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,2%, số người chết giảm 4,6%, số người bị thương giảm 9,2%. Bình quân 01 ngày trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông làm 26 người chết, 17 người bị thương.